eSports

ViKhoa Kylin: eSports Việt Nam – Một chặng đường dài (P1)

Chia sẽ

Bài viết được trích nguyên văn từ blog của Dương Vi Khoa, người có nhiều năm làm việc và đóng góp cho Thể thao Điện tử Việt Nam

Game4V xin được trích nguyên văn từ facebook của anh Dương Vi Khoa (Kylin):

“Đầu tiên, tôi xin nói rõ rằng đây là 1 bài viết chia sẻ kinh nghiệm, những gì tôi đã trải qua, đã chứng kiến trong quá trình phát triển eSports tại VN. Vì nó là những gì đã diễn ra nên không có đúng hay sai, chỉ là những bài học để các bạn rút ra được 1 điều gì đó cho mình.

Quan điểm tôi nêu ra trong bài viết là quan điểm của cá nhân tôi. Bạn có thể thích, không thích, đồng ý hay không đồng ý, chuyện đó không quan trọng với tôi và nói thẳng là tôi cũng không quan tâm.

Bài viết sẽ rất dài, nên nếu đủ kiên nhẫn thì bạn hãy đọc, đừng đọc nửa vời vì không có tác dụng lắm. Ý trong bài tôi cũng sẽ không sắp xếp nhiều nên có thể sẽ lộn xộn 1 chút, mong các bạn thông cảm, đây là viết blog chứ không phải kiểm tra học kỳ hay thi tốt nghiệp. Chỉ mong các bạn nắm được những gì tôi nói, đừng bắt bẻ từng câu chữ vì điều đó chẳng có ích gì cho cả bạn và tôi.

Tôi chỉ mong rằng sau bài viết này, các bạn sẽ có một sự định hướng rõ ràng hơn cho bản thân, có sự chuẩn bị tốt hơn để phát triển đam mê eSports của bạn, đồng thời vẫn đảm bảo cho cuộc sống sau này của các bạn.

wcg

Vòng vo tam quốc thế là đủ, bây giờ chúng ta điểm lại 1 chút về lịch sử phát triển của eSports Việt Nam trong 14 năm qua. Các bạn cần phải biết được lịch sử thì mới phát triển tốt tương lai được. Tôi cũng sẽ đi lướt qua phần này chứ nếu nói dông dài thì 3 phần vẫn chưa kể hết được.

Khái niệm eSports – thể thao điện tử – thi đấu game – bắt đầu nhen nhóm từ năm 2002-2003, khi mà WCG đầu tiên được diễn ra với các môn Starcraft, AOE, FIFA. Các môn FPS như CS, Quake hay Unreal không được tổ chức vì lý do “nhạy cảm, bạo lực”.

Đã có 1 số “game thủ” nổi tiếng thời kỳ đầu của eSports được sinh ra trong thời gian này, chủ yếu là Starcraft và AOE.

Đến năm 2004, clan 1st.VN chuyên về Counter-Strike được thành lập. Chữ 1st.VN đơn giản chỉ là “clan FPS đầu tiên của VN” chứ không phải là “đứng số 1 VN” như mọi người lầm tưởng. Trải qua nhiều thăng trầm, dần dần CS 1.6 bắt đầu được xem là eSports khi những người đứng đầu cộng đồng đã cố gắng tổ chức rất nhiều giải đấu trên toàn quốc, tạo ra nhiều servers chơi online theo thể thức eSports, có forum cho mọi người tụ tập trao đổi.

Tuy nhiên, Counter-Strike vẫn chưa được đưa vào thi đấu trong WCG VN.

Môn tiếp theo là Warcraft III, nó dần dần thay thế Starcraft và AOE và trở thành game RTS phổ biến nhất VN. Warcraft III cũng được đưa vào thi đấu WCG VN nên nó cũng trở thành một môn eSports. Ngoài ra còn có DoA, NFS nhưng cộng đồng rất nhỏ và không đáng kể.

Sau đó thì phong trào Dota (Dota 1) nổi lên, cũng dần dần được định hướng là môn eSports khi nó lan tỏa khắp mọi nơi, nối tiếp Warcraft III.

Đỉnh cao là thời điểm StarsBoba đoạt HCV WCG Asia cùng lúc với Tô Trung Hiếu 3 lần đoạt HCV Asia ở môn FIFA. Đây có thể xem là giai đoạn hoàng kim của eSports Việt Nam.

Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt khi Counter-Strike, game “bạo lực và nhạy cảm” được đưa vào thi đấu trong WCG VN. Dưới sự “đấu tranh” không ngừng nghỉ của cả cộng đồng thì ngày này cũng đến, Counter-Strike VN có được một ngày hội lớn đúng nghĩa, vượt qua mọi giải đấu CS trước đây.

AIG

Năm 2009, lịch sử eSports VN được bước sang 1 trang mới, được các cơ quan chức năng CÔNG NHẬN là môn thể thao khi đoàn eSports VN đoạt 1 HCV (Dota), 1 HCB (NFS) và 2 HCĐ (FIFA và CS) trong kỳ Đại hội thể thao châu Á trong nhà (AIG 2009). Có thể nói, đây là thời điểm mà eSports chính thức được danh chính ngôn thuận phát triển tại Việt Nam.

Tiếp theo là thời kỳ bùng nổ với số lượng team eSports được đưa ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn. Các bộ môn cũng trở nên phong phú hơn, thành tích cũng nhiều hơn. Các giải đấu trong nước được tổ chức liên tục và thường xuyên.

Với sự tiếp sức của VTC và Garena VN (ngày nay là VED), eSports ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, gamers ở các phòng game dần dần chơi eSports nhiều hơn MMORPG và cho đến ngày nay thì thị phần của các game eSports đã đứng đầu ở VN (nói về số lượng người chơi, không nói về doanh thu).

Tất nhiên, cuộc sống của các pro-gamer eSports VN không toàn màu hồng như vậy. Để bước lên đỉnh cao, các bạn đã phải hy sinh rất nhiều thứ vì đam mê này. Nhưng rồi cũng phải dừng bước, nghĩ đến tương lai để mà bước đi tiếp, tìm kiếm 1 cơ hội để phát triển bản thân. Có người thì phát triển dựa trên nền tảng và sự hiểu biết về eSports của mình, có người thì cũng làm 1 nghề gì đó hơi có liên quan đến gaming / eSports, có người thì chọn 1 con đường khác để đi.

Vì thực tế cho thấy, mặc dù eSports VN phát triển mạnh, nhưng vẫn chưa đủ để các pro-gamer, hay gọi là các VĐV eSports thực sự sống bằng nghề thi đấu này được. Các bạn vẫn thi đấu, vẫn chơi vì đam mê nhưng vẫn phải có 1 nguồn tài chính khác song song để có thể theo đuổi đam mê này.

Tôi đúc kết ra được những điều sau đây, nếu bạn đam mê, muốn theo đuổi eSports thì hãy đảm bảo được cho mình các yếu tố sau:

* Sự ủng hộ của gia đình, người thân

Bạn cần phải có sự ủng hộ của những người xung quanh, nhất là những người trong gia đình của mình.

Bản thân tôi rất là may mắn khi bố mẹ đều có suy nghĩ thoáng, hơn nữa khi tôi tiếp xúc với eSports thì cũng đã đủ trưởng thành để tự chọn con đường cho mình. Tôi còn may mắn hơn khi có được người bạn gái, người vợ cảm thông, hiểu được eSports để mà cho phép tôi có đủ thời gian, không gian để theo đuổi đam mê này. Có những lúc tôi không làm tròn trách nhiệm của 1 người chồng, người cha khi có quá nhiều việc phải làm để phát triển eSports nhưng vợ tôi vẫn im lặng gánh vác mọi thứ để tôi có thể yên tâm đi theo con đường này.

Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng may mắn như tôi, nên bạn cần phải chuẩn bị tư tưởng cho người thân của mình, nhất là các bạn trẻ còn trên ghế nhà trường. Sau này, có bạn gái/trai, có gia đình thì cũng cần cân bằng lại giữa đam mê và cuộc sống. Liệu có ích gì không khi tốn quá nhiều thời gian cho đam mê mà lại đánh mất đi một cuộc sống hạnh phúc gia đình? Vấn đề này thuộc phạm trù quan điểm của mỗi người, tôi chỉ có thể nói đến thế, phần còn lại là do bản thân bạn.

* Yếu tố tiếp theo: Đam mê.

Thật sự đam mê là gì?

“Tham gia đoàn WCG của Việt Nam 2002, được nhìn thấy trình độ chơi game chuyên nghiệp của thế giới là như thế nào (tuyển Việt Nam thua…te tua không có nổi một trận thắng!!!), được cảm nhận tinh thần của khẩu hiệu WCG “Hơn cả trò chơi” của gần 1,000 con người say mê game đến từ 50 quốc gia trên thế giới, thi đấu tài năng và chia sẻ niềm đam mê mãnh liệt của mình với game, được…chơi game thỏa thích trong suốt 5 ngày trong làng vận động viên. Lúc đó, cảm nghĩ rằng đây là một trong những thời gian thật hạnh phúc của cuộc đời mình” – Trích từ lời tâm sự của ông Lê Hồng Minh trong bài blog Tôi chơi game và làm game.

Bản thân tôi và những đồng đội xung quanh cũng có những cảm giác này, cảm giác rất khó tả và vinh quang khi được cầm cờ Việt Nam bước đi trong 1 giải đấu eSports, được nâng cao phần thưởng mà mình đoạt được trong các giải đấu, nhất là giải đấu quốc tế. Cảm giác chiến thắng đó không có gì thay thế nổi.

Và trước tiên, nếu thật sự ĐAM MÊ, bạn phải hy sinh cho nó rất nhiều. Hãy chơi eSports vì đam mê chứ không phải vì KIẾM TIỀN, hãy chơi vì danh dự của bạn, của những đồng đội, của những người ủng hộ bạn, của đất nước. Hãy chơi vì bạn thật sự thích eSports và muốn có cảm giác chiến thắng trên đấu trường này.

* Yếu tố thứ 3: Teamwork, tinh thần đồng đội.

Những lời tiếp theo đây có thể sẽ “khó nghe”với 1 số bạn, nhưng thực tế là như vậy. Cái TÔI của đại đa số các gamers VN quá lớn. Có RẤT ÍT team eSports có được sự kết hợp nhuần nhuyễn, thật sự là teamwork. Tất nhiên không chỉ ở VN mà trên thế giới cũng thế thôi.

Đại đa số các game thủ eSports đều có tuổi đời rất trẻ. Các bạn có thể lập team từ 15-20/22 tuổi, team thi đấu giải lớn thì 18-22 tuổi. Ở độ tuổi này, vẫn có những cái “ngông”, những cái “tôi”, những sự bồng bột, tự mãn của tuổi trẻ mà đến độ tuổi 3x, các bạn nhìn lại sẽ thấy mình “ngây ngô” như thế nào.

Đó là 1 điểm mạnh của tuổi trẻ, nhưng cũng là 1 điểm yếu nếu nó được sử dụng không đúng nơi, không đúng lúc.

Để có 1 team eSports mạnh và ổn định thì từng cá nhân xuất sắc là không đủ mà cần có sự gắn kết, nhường nhịn và phối hợp tốt với nhau.

Khi các bạn đã bầu ra 1 đội trưởng thì cần có sự tôn trọng nhất định với đội trưởng đó. Anh ta có chửi mắng bạn, anh ta có đưa ra quyết định sai trong lúc thi đấu thì cũng phải nghe theo. Con người ai cũng mắc phải sai lầm, nhất là trong giai đoạn căng thẳng, vừa phải thi đấu, vừa phải chi phối các đồng đội phối hợp cho nhau, lại vẫn phải đọc được nhịp độ trận đấu, chiến thuật của đối phương.

Làm một đội trưởng không đơn giản, để làm được 1 đội trưởng tốt thì lại càng khó. Vấn đề này có lẽ tôi sẽ viết trong 1 bài khác.

Teamwork không tốt, mâu thuẫn nội bộ xảy ra, không ai phục ai thì đó là lúc break team. Có rất nhiều team eSports đỉnh cao của VN bị break vì vấn đề này. Tôi rất tiếc khi ở VN ít có team nào ổn định thật sự để mà phát triển lâu dài. Đây là 1 điểm yếu thật sự của eSports VN.

Chỉ cần nghĩ thoáng hơn 1 chút, nhường nhịn nhau 1 chút, kết thân với nhau, thậm chí ăn ngủ cùng nhau một thời gian dài thì teamwork sẽ tốt hơn nhiều. (hey, đừng nghĩ bậy nha =)))

* Yếu tố thứ 4: Tài chính ổn định.

Hãy theo đuổi đam mê khi tài chính của bạn ổn định. Không cần biết nguồn đó là của ba mẹ cho, do bạn tự kiếm được hay do tài trợ thì bạn vẫn cần có tiền để sống và hưởng thụ.

Khi tài chính của bạn ổn định 1 mức nào đó đủ để đảm bảo cho bạn thì lúc đó bạn mới thật sự chơi vì đam mê được. Như tôi đã nói ở phần trên, nếu chơi vì tiền thì các bạn sẽ rất khó phát triển lâu dài. Chỉ cần 1 trận thua cũng sẽ làm bạn nản vì không có tiền, hoặc xấu hơn nữa là nảy sinh ra “bán độ” khi 1 số bộ môn eSports đã có cá cược. Bạn sẽ rất dễ bị đồng tiền cám dỗ khi thiếu tiền. Bạn sẽ dễ dàng buông thả bản thân và nghĩ rằng “chắc không ai biết đâu” “một trận này thua mà kiếm được mấy chục triệu, hơn cả giải Nhất nữa” v.v…

Chỉ cần 1 lần như vậy diễn ra, sẽ có lần thứ 2, sẽ có lần thứ 3 và rồi bạn mất dần đam mê chiến thắng, mất dần sự cố gắng và cuối cùng là kết thúc sự nghiệp rất sớm.

* Yếu tố thứ 5: Sự kiên trì.

Nếu có đam mê thật sự thì bạn sẽ kiên trì được hơn trên con đường này. Tập luyện, tập luyện và tập luyện. Tiếp theo đó là thi đấu thật nhiều, càng nhiều trận thua sẽ càng giúp bạn tiến bộ hơn. Những trận thắng sẽ giúp bạn lên tinh thần, vượt qua các chướng ngại khác nhưng đừng lấy nó làm tự mãn, tự hài lòng với bản thân.

Một khi bạn nản lòng vì thua, đó là bạn chưa đủ đam mê và kiên trì. Kiên trì ở đây cũng không chỉ ở bản thân bạn mà phải động viên cả đồng đội, phải là cả đội cùng cố gắng.

* Yếu tố thứ 6: Học hỏi nhiều hơn và chuẩn bị cho tương lai.

Hãy mở rộng đầu óc để đón nhận những kiến thức mới, phải liên tục cập nhật các chiến thuật, meta game mới. Đừng ngại học hỏi từ những đối thủ của mình, thậm chí cả những kẻ đã thua mình. (Hy vọng không có bạn nào bắt bẻ cái từ “mở rộng đầu óc” ở đây nữa!)

Hãy tham gia thi đấu nhiều hơn, trong thời gian đầu thì phải xác định thắng thua không quan trọng mà quan trọng là mình và team rút ra được kinh nghiệm gì sau mỗi trận đấu.

Thật sự rất khó khi bắt 1 bạn trẻ 18-22t “hoạch định cho tương lai” của mình. Đây là thời điểm mà rất ít người có thể xác định được con đường đi thật sự của mình. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị nào đó thì bạn cũng sẽ dễ dàng đi trên con đường đó hơn là cứ cắm đầu mà đi.

Hãy xác định mình theo đuổi đam mê này như thế nào, mình có thể làm thêm, học thêm được gì, mình có thể sử dụng đam mê này hỗ trợ cho công việc sau này hay không. Mình có thể kết hợp mối quan hệ mình đang có trong cộng đồng eSports hay không v.v…

Hãy cố gắng tạo ra nhiều quan hệ hơn trong cộng đồng, hãy xây dựng uy tín cho bản thân bạn và làm mọi cách để giữ vững cho cái NAME của bạn. Hãy bỏ ngoài tai những lời dè bỉu, chê bai thậm chí nhục mạ. Chỉ cần bạn không làm gì trái với lương tâm của mình, hãy cứ vững bước mà tiến.

Còn tiếp….

}

Tags: , , , , , ,
FIFA Online 3: Jamie Vardy SS15 sẽ tăng chỉ số rất mạnh
Trung Quốc săn tìm bản quyền game Nhật Bản

Giftcode

Game Mobile

Game Online

Game PC

eSports

Có Thể Bạn Quan tâm

Menu