Mới đây cả ngành game nói riêng và ngành công nghệ thông tin nói chung đã được một phen chấn động trước tin lợi nhuận năm 2014 của VNG chỉ đạt mức 13 tỷ đồng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao lợi nhuận của một đơn vị kinh doanh game lại khiến cả ngành quan tâm, chú ý và phản ứng mạnh đến vậy.
VNG – Bắc Đẩu của ngành game Việt.
Bất kỳ một ngành hay một thị trường nào đều luôn có một hoặc hai người dẫn đầu. Có thể lấy ví dụ như ngành sản xuất điện thoại thông minh có Apple, chip điện tử có Intel, tìm kiếm có google v..v… Tuy doanh thu hay lợi nhuận của các công ty này không thể khắc họa toàn cảnh ngành hay thị trường đó nhưng nó có thể đưa ra những dự báo vô cùng chính xác. Ví dụ, nếu “người dẫn đầu” tăng doanh số lẫn lợi nhuận mà quy mô thị trường không thay đổi là bao thì chứng tỏ các công ty bên dưới đang dần đánh mất thị phần của mình vào tay công ty đó. Tuy nhiên khi công ty đứng đầu tụt giảm doanh số thì chưa chắc đó là cơ hội với các công ty nhỏ. Thậm chí khi các “ông lớn” lao đao thì những kẻ đứng bên dưới cũng đứng ngồi không yên và thậm chí nhiều công ty phải tuyên bố phá sản mà không ai hay.
Còn với thị trường Việt Nam, cái tên VNG vốn đã không xa lạ với những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Đây là đơn vị chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam hoạt động mạnh trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Cách đây 10 năm công ty này có cái tên khác là Vinagame, trong 10 năm ấy, chưa năm nào VNG không đứng đầu về doanh thu lẫn lợi nhuận đến từ game online. Cũng trong chừng ấy thời gian, họ không chỉ kiếm được rất nhiều tiền mà còn xây dựng một hệ sinh thái, đội ngũ nhân lực và hạ tầng cực vững chắc trong ngành công nghệ. VNG không chỉ là người dẫn đầu trong ngành mà còn là cảm hứng và khát khao mà nhiều công ty khác đang hướng tới.
Nếu chỉ nghe việc VNG giảm lợi nhuận đơn thuần mà chưa xét tới các yếu tố khác thì nó có thể báo hiệu về một năm xấu của ngành game. Một công ty với hệ sinh thái vững chắc cùng kinh nghiệm lâu năm, thương hiệu uy tín trong ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến mà còn thất thu thì không hiểu các công ty khác thế nào. Hoặc đôi khi nó báo hiệu về một đợt sóng mới của toàn ngành, ví dụ như từng có thời Yahoo đứng đầu trong ngành Internet, nhưng khi công ty này sụt giảm lợi nhuận không có nghĩa là ngành này đi xuống mà nó có một đợt sóng mới. Đợt sóng quật đổ Yahoo không ai khác chính là tìm kiếm của Google và mạng xã hội Facebook.

Ông Lê Hồng Minh – CEO của VNG
Vậy con số 13 tỷ này của VNG có báo hiệu một năm xấu của ngành game hay không? Câu trả lời không. Bởi nếu đây là sự thật thì nó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khác vươn lên. Nếu chúng ta nhìn lại các số liệu ngành game online lẫn mobile thì đúng là cả thị trường Việt vẫn đang đi lên chứ chưa có dấu hiệu đi xuống hay chững lại.
Những bí ẩn trong con số 13 tỷ
Cả làng công nghệ Việt đều có sự dự đoán về sự suy giảm doanh thu và lợi nhuận của VNG, nhưng 13 tỷ là con số mà chẳng ai lường tới được. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến toàn ngành game ngạc nhiên và sốc đến như vậy. Nhưng mọi người đều tin, đó chỉ là con số trên báo cáo, chứ thực ra VNG có thể thu được nhiều hơn thế.
Khả năng 1: Tách làm nhiều công ty
Trong các thông tin về lơi nhuận của VNG sụt giảm còn 13 tỷ thì rất nhiều nguồn đã ghi rõ: “Công ty mẹ VNG”. Đây có vẻ là nguyên nhân chính xác nhất trong số vô vàn giả thiết khác nhau. VNG có vẻ đã thành lập các công ty khác nhau với sứ mệnh, mục tiêu và tầm nhìn khác nhau. Các công ty này có thể có nhiệm vụ thống lĩnh, chiếm lấy một thị trường nào đó. hoặc chỉ chuyên làm và kinh doanh một sản phẩm chuyên biệt nào đó. Việc tách các công ty này có 2 cái lợi. Đầu tiên là sẽ tách biệt các khoản thu chi của từng công ty. Qua các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động người lãnh đạo có thể biết bộ phận nào đang hoạt động hiệu quả, kinh doanh tốt. Đồng thời với một hệ sinh thái như của VNG, họ sẽ tránh việc sử dụng quá giới hạn tài nguyên trong công ty đối với từng bộ phận ( Như khai thác quá nhiều banner miễn phí của Zing, Mp3 Zing hay Zalo). Các công ty hoạt động độc lập, tài chính và doanh thu rõ ràng. Điều thứ 2 mà VNG có lợi chính là việc công ty này sẽ bắt đầu làm các thương hiệu con khác nhau thay vì chỉ làm mỗi thương hiệu mẹ VNG. Khi các thương hiệu này tách biệt thì họ có thể kinh doanh và làm việc mà không dẫm chân hay ảnh hưởng đến uy tín của nhau.

Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vi Na

Công ty TNHH phát triển phần mềm VNG

Công ty TNHH phân phối thẻ độc quyền cho VNG
Khả năng 2: Tái đầu tư và mở rộng quá nhiều
Đây có thể cũng là một khả năng không hề nhỏ. Bởi trong năm qua ta sẽ thấy VNG đã chi rất nhiều tiền để quảng bá rộng rãi và mạnh mẽ Zalo. Bất kỳ ai ở bên ngoài cũng có thể thấy số tiền mà công ty này tiêu phải vào dạng “tiền tấn” chứ không hề nhỏ chút nào. Chưa kể, VNG còn làm lại hàng loạt sản phẩm Internet như Mp3 Zing hay Zing News. Nếu trường hợp này là đúng thì thực tế VNG không hề giảm lợi nhuận như mọi người vẫn nghĩ. Họ đang lùi một bước, tiến 2 3 bước là khác. Bởi những đầu tư này vô cùng hiệu quả ở việc đem về nhiều người dùng hơn. Năm sau sẽ rất khó để công ty này có doanh thu thấp như vậy nữa.
Khả năng 3: Thua vì cạnh tranh với Garena
Khả năng này là khả năng bất hợp lý nhất bởi thực tế tuy Garena đang cạnh tranh rất gay gắt với VNG nhưng tất cả chiến trường 2 công ty này tranh giành mọi thứ còn chưa ngã ngũ. Việc chỉ trong một năm cạnh tranh mà giảm doanh thu đến mức nhỏ như vậy là việc có xác suất cực kỳ nhỏ. Tuy nhiên không phải vì thế mà không ít người ủng hộ quan điểm này.
Kết
Việc lợi nhuận của VNG tuột dốc xuống còn 13 tỷ là một điều vẫn đang gây tranh cãi với tất cả ngành game Việt nói riêng và ngành công nghệ nói chung. Nhưng rõ ràng nếu đây là sự thật thì nó không hẳn đã là tin vui với các đối thủ cạnh tranh khác. Bởi sóng lật thuyền to thì cũng sẽ “úp” cả loạt thuyền nhỏ. Đến người to nhất, mạnh nhất còn không chịu được nữa là các doanh nghiệp bé hơn. Chính vì thế đã và đang có rất nhiều người tin rằng 13 tỷ đó chỉ là một con số trên giấy tờ. Tuy chỉ trên giấy tờ nhưng cũng đủ để làng game phải chú ý.
>>> VNG: Lợi nhuận 2014 giảm mạnh, chỉ còn 13 tỷ đồng
}