Game Online

Có những môn phái cực mạnh trong truyện Kim Dung ít được ưu ái đưa vào game

Chia sẽ

Bên cạnh những môn phái nổi tiếng như Thiếu Lâm, Cái Bang, Nga My, Võ Đang… luôn là một chất ‘gia vị’ không thể thiếu trong những tựa game kiếm hiệp, thì cũng có những môn phái tuy không hề thua kém về danh tiếng so với những cái tên kể trên, nhưng lại không được khai thác nhiều trong lĩnh vực game.

Đoàn Thị Đại Lý

Đã nổi tiếng từ lâu trong những tác phẩm kiếm hiệp của đại tác gia Kim Dung, với những nhân vật tiêu biểu như cha con Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự, một trong Võ lâm ngũ bá Nam Đế/Nam Tăng Đoàn Trí Hưng. Tuy Nhiên, môn phái này lại rất ít khi xuất hiện trong các tựa game kiếm hiệp. Tại Việt Nam, ngoại trừ series Kiếm Thế, Kiếm Thế 2, người chơi chỉ có thể bắt gặp môn phái này qua một cái tên khác là Thiên Long Tự trong tựa game Thiên Long Bát Bộ.

monphai

Lục Mạch Thần Kiếm thể hiện uy lực trong game

Truyền nhân của Đoàn Thị Đại Lý tinh thông cầm ký thi họa, bản tính tao nhã, mỗi lần xuất hiện trên giang hồ đều được giới võ lâm nhân sĩ kính trọng. Hầu hết các tuyệt kỹ của Đoàn Thị đều xuất phát từ Thiên Long Tự. Sau khi các hoàng đế Đại Lý thoái vị, ngôi chùa này trở thành nơi tu luyện phật pháp, nơi nhưng tinh hoa võ công trấn quốc của Đoàn Thị Đại Lý ra đời. Hoàng gia Đại Lý nổi danh khắp Trung Nguyên với hai pho tuyệt học Lục Mạch Thần Kiếm và Nhất Dương chỉ, đã từng cùng các anh hùng Nam Tống sát cánh chống lại sự xâm lược của nước Đại Liêu dưới sự chỉ huy của hoàng đế Da Luật Hồng Cơ.

monphai

Đoàn Dự – Cao thủ nổi danh nhất của Đoàn Hoàng gia Đại Lý

Cuối thời Nam Tống, đại quân Mông Cổ tiến xuống phía Nam Trung Nguyên xâm lược Đại Việt, dẫn quân đi qua Đại Lý vì thực lực quốc gia non yếu, vị vua cuối cùng của Đại Lý là Đoàn Hưng Trí đã đầu hàng Mông Cổ, đặt dấu chấm hết cho một quốc gia tôn sùng Phật pháp và có truyền thống võ học lâu đời.

Toàn Chân Giáo

Trong danh sách này hẳn không thể không nhắc đến giáo phái Toàn Chân do Trùng Dương Chân Nhân sáng lập nên. Cũng giống như phái Võ Đang, Toàn Chân Giáo là một môn phái có thực trong lịch sử Trung Hoa. Trong tiểu thuyết Kim Dung, người sáng lập nên môn phái này, Vương Trùng Dương Chân Nhân, được biết đến như một vị cao thủ tài đức vẹn toàn, võ công đứng đầu trong Võ lâm ngũ bá, đạo hạnh vang danh khắp vùng đất Trung Nguyên. Nghĩa đệ của ông, Chu Bá Thông, sư thúc tổ của Toàn Chân Giáo, cũng là một trong những đệ nhất cao thủ thời bấy giờ.

monphai

Trùng Dương Chân Nhân – Người sáng lập Toàn Chân Giáo

Bảy vị đệ tử của ông, danh xưng Toàn Chân Thất Tử, cũng là những cao thủ võ học và có nhân phẩm tốt, là những người đã nâng đỡ và bảo vệ gia đình Dương Khang, Quách Tĩnh sau biến cố ở Ngưu Gia thôn. Theo truyền thuyết, trong khoảng thời gian Mông Cổ và Nam Tống vẫn còn liên minh chống lại nước Kim, Đạo trưởng Khưu Xứ Cơ, một trong Toàn Chân Thất Tử, đã được đích thân Thành Cát Tư Hãn diện kiến để đàm luận thuyết trường sinh.

Trong tác phẩm Thần Điêu Hiệp Lữ, tác giả còn hé lộ về những mối liên quan giữa Toàn Chân Giáo và Cổ Mộ phái, khi Trùng Dương Chân Nhân và Lâm Triều Anh – Tổ sư phái Cổ Mộ, trước đây đã nảy sinh tình cảm với nhau, nhưng do cốt cách cao ngạo và đôi phần bướng bỉnh mà cuối cùng hai người đã không thể đến với nhau.

monphai

Tuy vậy, ngoại trừ Vương Trùng Dương và bảy vị đệ tử của ông, những đệ tử đời sau của Toàn Chân Giáo như Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình… đều được khắc họa như những kẻ bất tài vô dụng, ti tiện nhỏ mọn, háo sắc và vô liêm sỉ. Vì vậy mà hình tượng của Toàn Chân Giáo dưới ngòi bút của Kim Dung thực chất không mang lại nhiều thiện cảm cho người đọc. Có lẽ chính vì điều này nên các nhà làm game luôn tỏ ra lạnh nhạt với môn phái từng một thời danh chấn võ lâm này.

Đào Hoa Đảo

Dường như ngoại trừ Cái Bang của Bắc Cái Hồng Thất Công, những môn phái do Võ lâm Ngũ bá đứng đầu đều không nhận được nhiều sự quan tâm của ngành công nghiệp game. Đào Hoa Đảo được xây dựng nên bởi Đông Tà Hoàng Dược Sư, một con người  tính tình quái dị, cô độc, làm mọi việc theo ý mình, thường chê bai cổ nhân. Võ công của ông cũng rất cao siêu, được mô tả vừa nhanh nhạy, chuẩn xác nhưng cũng rất phiêu diêu, thể hiện phong thái điềm nhiên, tự tại. Các môn tuyệt kỹ của ông là Lạc Anh thần kiếm chưởng, Ngọc Tiêu kiếm pháp, Đàn chỉ thần công, Lan Hoa Phất Huyệt Thủ, Hoàng Phong Tảo Diệp Thoái Pháp và Bích Hải Triều Sinh Khúc. Hoàng Dược Sư từng làm một đôi câu đối về võ công của mình: ‘Đào hoa ảnh lạc phi thần kiếm – Bích hải triểu sinh trỗi ngọc tiêu’.

monphai

Tài năng là vậy nhưng năm người đệ tử của ông lại không mấy nổi bật, ngoại trừ Mai Siêu Phong đã luyện thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo do đánh cắp được Cửu Âm Chân Kinh từ tay sư phụ, và tất cả họ đều hứng chịu những kết cục bi thảm. Ngoài ra còn có thể kể đến hai nhân vật nữa, cũng có thể được coi là những người thừa kế những tinh túy võ thuật của Đào Hoa Đảo. Một người là Trình Anh, được chính tay Hoàng Dược Sự giải cứu khỏi Lý Mạc Sầu và truyền thụ Lạc Anh Kiếm Pháp. Người kia chính là Dương Quá, được ông xem như ‘bạn vong niên’ (người bạn chênh lệch độ tuổi) và truyền thụ Ngọc tiêu kiếm pháp và Đạn chỉ thần công.

Ngũ Nhạc Kiếm Phái

Ngũ Nhạc Kiếm Phái là tên gọi chung của năm chi phái nằm ở năm ngọn núi lớn (Ngũ Nhạc) là Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Trong bối cảnh của tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ, chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền được tôn là minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái. Đặc điểm chung của Ngũ Nhạc kiếm phái là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm. Ở gần cuối tiểu thuyết, Tả Lãnh Thiền thực hiện âm mưu thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất gọi là Ngũ Nhạc phái, nhưng lại bị Nhạc Bất Quần âm thầm đoạt chức vị chưởng môn.

monphai

Môn phái Hoa Sơn trong game online

Tuy đều có điểm chung là sử dụng kiếm thuật nhưng mỗi môn phái trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái đều mang trong mình những sở trường riêng, làm nên nét đặc chưng của từng môn phái. Phái Hoa Sơn nổi tiếng với  Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công, cùng hai trường phái kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm) và khí tông (lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh). Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Phái Hằng Sơn là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia). Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất), đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền đã thu nhận nhiều nhân vật từ cả các giới hắc bạch nhằm xây dựng lực lượng hùng hậu nên lúc đó phái Tung Sơn có nhiều cao thủ nhất. Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của Đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo Giáo.

monphai

Lệnh Hồ Xung – Đệ nhất cao thủ đương thời của Ngũ Nhạc kiếm phái

Trong các tựa game kiếm hiệp, phái Hoa Sơn là môn phái được ưu ái nhất trong Ngũ Nhạc Phái bởi cái tên Lệnh Hồ Xung, còn nếu xét trong tiểu thuyết Kim Dung, các môn phái trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái không được coi là một môn phái mạnh trong võ lâm, và võ công của những môn phái này cũng không được nghiên cứu sâu xa, bởi vậy nên không có quá nhiều đề tài khai thác để có thể đưa vào game.

Minh Giáo của Ba Tư

Nhắc đến Minh Giáo trong tiểu thuyết Kim Dung, người ta thường nghĩ ngay đến nhân vật Trương Vô Kỵ với khoảnh khắc đơn thương độc mã đánh bại lục đại môn phái trên Quang Minh Đỉnh, hay sau này là Đông Phương Bất Bại với chiêu thức võ công kỳ dị nhưng oai chấn giang hồ (thời kỳ này, Minh Giáo đã đổi tên thành Nhật Nguyệt Thần Giáo).

monphai

Đệ tử Minh Giáo được tái hiện trong game online

Tuy nhiên, có một điều ít ai nhắc tới, đó là những nhân vật trên chỉ thuộc phân đà Minh Giáo tại Trung Thổ. Trên thực tế, tổng đà của giáo phái này nằm tại đất nước Ba Tư (Iran hiện nay), giáo phái này được lưu truyền rộng rãi tới Trung Quốc từ thời nhà Đường. Giáo phái này thờ thần ánh sáng. Tín đồ Minh giáo thường ít tiếp xúc với người đời nên luôn bị coi là tà giáo, bị quan quân triều đình truy bắt ráo riết. Nhưng tín đồ của Minh giáo luôn sống một cuộc sống thanh tịnh.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Minh Giáo Trung Thổ và Minh Giáo Ba Tư đã tách biệt thành hai giáo phái với những tôn chỉ hoạt động khác nhau, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những mối quan hệ ràng buộc giữa hai giáo phái này. Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng trường phái võ công của hai môn phái này cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Bằng chứng là khi Trương Vô Kỵ đấu với ba vị sứ giả của Tổng đà Minh Giáo Ba Tư đã không dấu được vẻ ngạc nhiên trước những chiêu thức kỳ dị có một không hai của ba người này.

monphai

Khung cảnh của đại bản doanh Minh Giáo

Võ thuật Minh Giáo Ba Tư được mô tả là mang đậm tính hung hiểm, kỳ dị, và mang hơi hướng tà đạo. Tuy được nhắc đến rất ít trong tiểu thuyết Kim Dung nhưng môn phái này vẫn tạo ấn tượng cho người đọc vì quy mô rộng lớn và những tác động không nhỏ của nó đến võ lầm Trung Nguyên.

>>>Những yêu quái xinh đẹp nhất mà Đường Tăng gặp phải

}

Tags: , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,
Streamer Quang Brave lên tiếng: “Tôi bị VTC lợi dụng”?
Toàn bộ thông tin về DreamLeague mùa 8 – giải đấu Major triệu $ của Dota 2

Giftcode

Game Mobile

Game Online

Game PC

eSports

Có Thể Bạn Quan tâm

Menu